Hiện nay, công nghệ giải mã gene có thể tầm soát được 22.000 đột biến gen ung thư di truyền (germline) trên cơ thể người.
Công nghệ giải mã gene có thể tầm soát được 22.000 đột biến gene ung thư di truyền. (Ảnh: BTC)
Trong mô hình bệnh tật hiện nay thì bệnh ung thư là một bệnh rất nguy hiểm, là mối lo lắng, gánh nặng bệnh tật của toàn nhân loại, “tử thần” này không trừ một ai.
Tuy nhiên, nhờ những nghiên cứu trong lĩnh vực y tế, tỷ lệ điều trị thành công bệnh ung thư hiện nay đã tăng gấp đôi so với những năm 1970.
Tiến sỹ Phan Minh Liêm – Thành viên Hiệp hội Di truyền Y khoa Hoa Kỳ đã nhấn mạnh như vậy khi báo cáo tại hội nghị khoa học thường niên ứng dụng công nghệ gene trong chẩn đoán, điều trị, diễn ra chiều 27/12 tại Hà Nội.
[Công nghệ chỉnh sửa gene thắp hy vọng cho nhiều bệnh nhân]
Theo ước tính của Tổ chức Ung thư toàn cầu Globocan, năm 2018 có 18,1 triệu trường hợp mắc bệnh ung thư mới và 9,6 triệu ca tử vong do ung thư. Trong đó, tại châu Á số ca ca ung thư mắc mới chiếm 48% (8.751.000 trường hợp) và số ca tử vong ở châu Á là 57% (5.477.000 trường hợp).
Với báo cáo “Ứng dụng của công nghệ Gene trong tầm soát và điều trị ung thư,” tiến sỹ Phan Minh Liêm chia sẻ về công nghệ giải mã gene giúp tìm kiếm các biện pháp theo dõi và can thiệp sớm cho từng ca bệnh.
Tiến sỹ Liêm chỉ rõ, ung thư do nhiều nhóm nguyên nhân gây nên như nhóm tác nhân sinh học (virus, vi khuẩn HP, bệnh lý…), hóa học (thuốc lá, rượu bia, ô nhiễm, thuốc bảo vệ thực vật…), vật lý (phóng xạ, tia tử ngoại…). Các tác nhân này gây đột biến gene và hệ quả là gây ung thư.
Hiện nay, công nghệ giải mã gene có thể tầm soát được 22.000 đột biến gene ung thư di truyền (germline) trên cơ thể người.
Bên cạnh việc “vạch mặt” những gene tăng nguy cơ mắc ung thư, tại hội nghị, tiến sỹ Liêm chỉ ra gene kháng kháng ung thư. Đây là loại đột biến di truyền trội, nếu người mang gene này trong cơ thể sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư: 50% trước 40 tuổi và 90% trước 60 tuổi. Nguy hiểm hơn khi cơ thể chứa gene kháng kháng ung thư còn có khả năng kháng hóa trị và kháng xạ trị cao, cũng như làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư nguy hiểm.
Theo tiến sỹ Liêm, để biết cơ thể có chứa các đột biến gene hay không thì cách làm hiện đại nhất và có cơ sở khoa học hiện nay là công nghệ giải mã gene. Công nghệ này tạo ra một cuộc cách mạng trong y học về kiểm soát dễ dàng gene ung thư trong tầm tay. Từ việc xác định đột biến gene trong cơ thể ở giai đoạn sớm giúp người bệnh được tư vấn biện pháp theo dõi và can thiệp sớm, giảm phát sinh bệnh do đột biến gene ung thư di truyền, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị và phòng tránh bệnh.
Hội nghị là dịp để 800 thạc sỹ, bác sỹ đến từ các bệnh viện, phòng khám trên cả nước có cơ hội được cập nhật kiến thức mới nhất về những ứng dụng công nghệ giải mã gene trong tầm soát và điều trị ung thư, từ đó nâng cao khả năng điều trị, phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh ung thư cho người dân.