Ngày hôm qua, cháu gái bắt đầu gọi ông nội là “ông già lẩm cẩm”. Bởi vì ông rõ là đang cầm chìa khoá ở trên tay mà cứ cuống cuồng lên đi tìm, mất nguyên cả buổi chiều không làm được gì.
Dạo này ông lạ lắm, rõ ràng người đứng trước mặt là người vẫn gặp hàng ngày, còn là hàng xóm mấy chục năm rồi, mà sao tự nhiên ông quên hẳn tên của họ. Nghĩ mãi vẫn không nhớ ra…
Ở trên nhà xuống bếp định lấy cái gì, mà sau lại quên bẵng đi, không biết xuống bếp để làm gì. Đứng một hồi cũng không nghĩ ra, lò dò đi lên phòng mới nhớ được: “À, thì ra định xuống bếp lấy cái cốc để uống nước!”
Nhiều người bắt đầu phàn nàn là ông toàn nói chuyện đâu đâu, nói một sự kiện là tới 3, 4 lần. Nói rồi mà tưởng chưa nói nên cứ lặp đi lặp lại, khiến cho người nghe phát chán. Nhiều lần các cháu phải ngắt lời: “Hiểu rồi ông ạ, ông đừng lặp lại nhiều lần nữa…”
Ngày xưa ông nói gì cũng ngắn gọn, đâu ra đó. Còn bây giờ, vòng vo Tam quốc mãi mà chưa vào đề, khiến con cái sinh ra bực mình:
– Ba muốn nói gì thì nói thẳng ra đi. Ba nói vòng vo hoài, con chẳng hiểu gì cả!
– Tao là ba mày. Tao nói tiếng Việt chứ tiếng gì đâu mà mày không hiểu hả?
Thế là ba con cãi lộn với nhau, vì những chuyện chẳng đâu.
Già hay quên đã đành, nhưng những cái cần quên thì chẳng quên mà lại nhớ dai vô chừng. Nhiều lúc ngồi ngẫm lại, những chuyện ngày xưa, bạn bè mất lòng nhau, chuyện giận hờn thù ghét của quá khứ… tự nhiên ở đâu ập về, làm tâm chẳng được an.
Già cũng dễ bị tủi thân và sợ bị cô đơn vô cùng. Lúc trước ông còn trẻ, khi ấy khỏe mạnh, cái gì cũng tự làm được. Nay tuổi già sức yếu, làm không được nữa nên đành phải nhờ con cháu. Mà nhờ vả thì nhiều lúc chúng nó không chịu làm, nếu có làm thì cũng là miễn cưỡng, nhiều khi còn kêu ca phàn nàn. Ngày xưa ông chở con đi học bao nhiêu năm trời chẳng sao. Nay không đi xe được nữa, nhờ con cháu chở đi nhà thờ, đi chùa … thì chúng nó nói ở nhà tu tâm là đủ rồi, việc gì phải đến nhà thờ hay chùa chiền. Muốn đi ra ngoài dạo phố thì chúng nó bảo ngoài phố có gì hấp dẫn đâu, ở nhà nghỉ ngơi đi làm gì cho mệt…
Thế là ông tủi thân. Ông bỗng nhớ đến câu chuyện như thế này:
Một người cha già trí nhớ đã không còn minh mẫn ngồi hóng gió cùng con trai trước hiên nhà. Nghe thấy tiếng động trong lùm cây, ông hỏi con trai:
– Cái gì vậy con?
Người con trai trả lời:
– Một con quạ ạ.
Vài phút trôi qua, người cha lại hỏi con trai:
– Cái gì vậy nhỉ?
Người con trả lời:
– Cha, con đã nói với cha rồi. Đó là một con quạ.
Một lúc nữa lại trôi đi, người cha già tiếp tục:
– Cái gì thế con nhỉ?
Đến lúc này, người con trai không còn giữ được bình tĩnh, anh sẵng giọng:
– Đó là một con quạ, một con quạ! Tại sao cha cứ hỏi đi hỏi lại con cùng một câu hỏi thế? Con đã nói rồi mà, đó chỉ là một con quạ!”
Thoáng chút ngần ngừ, người cha đi vào phòng mình, mang ra một cuốn nhật kí đã cũ nát. Cuốn sổ ông giữ gìn kể từ khi người con trai ra đời. Mở một trang, người cha đưa cho cậu con trai đọc. Khi người con trai đón lấy, anh ta thấy những dòng chữ được viết trong nhật kí như sau: “Hôm nay, đứa con trai bé bỏng 3 tuổi ngồi cùng tôi trên ghế sô-pha. Khi một con quạ đậu trên cửa sổ, con trai đã hỏi tôi 23 lần rằng đó là cái gì, và tôi cũng đã trả lời 23 lần rằng đó là một con quạ. Tôi nựng con mỗi lần nó hỏi tôi cùng một câu hỏi, lặp đi lặp lại 23 lần. Tôi không hề cảm thấy khó chịu, mà trái lại, càng yêu thương đứa con ngây thơ bé bỏng này hơn…”
Nghĩ đến đây, sống mũi ông hơi cay cay. Ông đã từng trải qua biết bao biến cố còn khó khăn, kinh khủng hơn cái cảnh tuổi già buồn tủi và cô đơn này. Có nhiều chuyện còn khiếp đảm hơn nhiều so với sự cô độc, mà ông đã vượt qua được tất cả. Vậy thì chút trở ngại lúc cuối đời này có đáng gì đâu. Ông sẽ yêu thương con cháu nhiều hơn, làm chỗ dựa tinh thần và gắng không làm phiền đến chúng. Chúng cũng có gia đình, cũng đang vật lộn mưu sinh sống…
Ông bỗng nhớ đến một câu cho tuổi già:
“Hãy để tuổi của bạn ngày một già đi, nhưng đừng để điều đó xảy ra với trái tim của bạn” – Haley.