Người cao tuổi có cảm giác buồn chán, tuyệt vọng không rõ nguyên nhân. Những cảm giác trở nên quá mức và bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống thì đó chính là dấu hiệu bệnh trầm cảm.
Trầm cảm rất đa dạng, có những dạng xuất hiện nhiều các triệu chứng thực thể. Một số người cao tuổi bị trầm cảm lại hoàn toàn không hề có cảm giác buồn, nhưng họ lại có các dấu hiệu khó chịu vì cảm giác mệt mỏi, đau nhức triền miên không dứt. Khi đi khám, bác sĩ khó mà xác định các triệu chứng này do bệnh thực thể gây ra hay là do bệnh trầm cảm.
Người cao tuổi có khả năng dễ bị trầm cảm hơn người trẻ tuổi do nhiều nguyên nhân. Các chuyên gia cho biết thêm có 10% người cao tuổi ở cộng đồng có các triệu chứng của trầm cảm (1 – 2% bị trầm cảm điển hình). Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn so với những người sống trong những hoàn cảnh đặc biệt, chẳng hạn như trong các trung tâm điều dưỡng, cô đơn. Bệnh trầm cảm dễ xảy ra nhất ở những người đang mắc các bệnh thực thể như đái đường, tai biến mạch máu não, huyết áp cao, xương khớp…. Các chuyên gia ước tính ở những người cao tuổi có các bệnh lý thực thể như trên, tỷ lệ bị trầm cảm có thể chiếm đến 20 – 35%.
Ai cũng từng xuất hiện các dấu hiệu trầm cảm thoáng qua tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời khi mà chúng ta cảm thấy đau khổ, mất mát, chia ly, đau đớn… Nhưng các biểu hiện này sẽ dần qua đi, chúng ta tiếp tục sinh sống gần như bình thường và không cần phải điều trị gì cả. Những trường hợp cần phải điều trị là các dạng trầm cảm ảnh hưởng đến tâm trạng, đến các hoạt động sinh hoạt lao động vui chơi giải trí và đến cách cư xử hàng ngày với những người xung quanh.
Nhận biết trầm cảm ở người cao tuổi không phải lúc nào cũng dễ dàng, tuy nhiên có một số dấu hiệu quyết định mà cần phải chú ý. Dấu hiệu quan trọng nhất của trầm cảm là những biến đổi về nhân cách. Người bị trầm cảm bắt đầu cảm thấy giảm sự chú ý quan tâm, mất đi hứng thú đối với các hoạt động, đồ vật, người thân yêu mà trước đây họ từng quan tâm, yêu quý. Người cao tuổi bị trầm cảm thường có dấu hiệu tách khỏi các hoạt động xã hội cũng như các thú tiêu khiển khác.
Khi người cao tuổi trầm cảm dễ rơi vào trạng thái biệt lập, cô độc do tự ti. Họ thường cảm thấy khó khăn trong việc diễn đạt những cảm giác của mình thành lời, do vậy những người xung quanh không nhận ra được những bất ổn ở họ. Khi cố gắng diễn đạt những cảm giác của mình có liên quan đến trầm cảm, họ lại thường tập trung vào các chủ đề khác. Chẳng hạn, họ than phiền về những nỗi lo tài chính, vấn đề hoà thuận với các thành viên trong gia đình và thường nhất là các vấn đề về sức khỏe.
Các dấu hiệu khác bao gồm như mất sinh lực và cảm thấy mình vô dụng. Họ thường biểu lộ một cách chung chung về sự không thoả mãn trong cuộc sống hiện tại, ví dụ: “Tôi chẳng còn có gì để mà trông đợi nữa”.
Người bệnh có thể trở nên cáu kỉnh hay buồn rầu hơn trước, có thể khóc hay cảm giác muốn khóc. Họ thường có cảm giác lo lắng nhiều hơn, đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến sức khoẻ và cảm thấy khó tập trung, khó quyết định. Họ hay tự trách mình “Tôi chẳng bao giờ làm được gì đúng cả”.
Một số người cao tuổi bị trầm cảm lại không hề nói gì về cảm giác của mình. Có thể họ cho rằng cảm giác đau khổ là biểu hiện bình thường của quá trình già hoá vì vậy họ nghĩ chẳng có gì đáng để phàn nàn, xem những cảm giác này là do bệnh tuổi già gây ra và chẳng có thể làm gì để thay đổi được.
Đa số người cao tuổi đều có cuộc sống tinh thần lạc quan, hạnh phúc, hữu ích cho xã hội bất chấp những thay đổi về sinh học – tâm lý – xã hội trong con người mình, chỉ có một số ít người có vấn đề về bệnh trầm cảm đơn giản là vì họ dễ mắc hơn những người khác.
Những sự kiện làm đảo lộn trong cuộc sống: về hưu, thay đổi chỗ ở, mất mát tài sản, con cái hư hỏng, gia đình ly tán, chết chóc,…. đều là những nguyên nhân có thể tác động rất mạnh đến người cao tuổi.
Người cao tuổi rất cần có được chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần. Khi có dấu hiệu của bệnh trầm cảm cần được phát hiện và chăm sóc điều trị kịp thời. Người cao tuổi cần tuân thủ một chương trình khám tâm lý thích hợp, giúp cải thiện các triệu chứng ngày càng tốt hơn.
Nguồn: vinmec.com